Các bạn biết đó rễ là thành phần quan trọng của cây mai. Rễ có các chức năng làm cho cây mai vàng đứng vững, hút chất dinh dưỡng để nuôi cây và phát triển. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn các bạn cách ghép rễ mai đơn giản.
Với tác phẩm mai bonsai, rễ còn là yếu tố tạo nên vẻ đẹp, cũng như tạo nên cảm giác già cỗi cho cây. Do đó một cây mai bonsai hoàn chỉnh phải đòi hỏi bộ rễ đẹp, không khiếm khuyết. Ngoài ra, để che đi sự khiếm khuyết đó người nghệ nhân sẽ sử dụng nhiều cách như dùng cỏ, rêu, đá để che chắn. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng chỉ nên tạo nơi khiếm khuyết đó một số rễ cần và đủ. Để làm được việc đó chỉ có cách là ghép rễ.
Thời điểm để ghép rễ mai vàng là vào tháng nào?
Các nghệ nhân làm vườn thường sẽ tiến hành công việc ghép mai vào mùa khô. Tức là khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 âm lịch để thực hiện việc ghép rễ mai. Ngoài ra, việc cấy ghép thân thì các bạn có thể chọn khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch để thực hiện.
Kỹ thuật ghép rễ mai vàng chi tiết
Nói chung các giống mai đều có thể sử dụng để ghép rễ, thí dụ: mai chiếu thủy, mai tứ quý v.v… miễn là chúng cùng loài với nhau. Sau đây, là phương pháp ghép rễ mai đơn giản thường được các nghệ nhân sử dụng các bạn có thể khảo thêm nhé.
Đầu tiên, chúng ta cần chọn một cây mai nhỏ cùng chủng loại với gốc sao cho phù hợp với dáng thế của cây mai và ý muốn tạo dựng bộ rễ nơi khiếm khuyết đó.
Nhổ cây mai vàng ra khỏi chậu và giũ sạch đất, cần kết hợp với tỉa bớt cành lá mai.
Dùng lưỡi khoan – vừa bằng đường kính cây nhỏ mà các bạn muốn lấy làm rễ – khoan xuyên gốc cây mai nơi bạn muốn rễ mọc ra từ đó.
Sau đó, nhét cây con vào lỗ đã khoan cho xuyên suốt gốc cây mai và ló ra ngoài tầm 2cm – 3cm, các bạn lấy dây buộc chặt để cố định rễ ghép ở nơi muốn ghép. Tiếp theo lấy thuốc mỡ trét kín khe hở ở hai đầu để nước không thấm vào. Đem trồng lại vào chậu mai đã thay phân đất mới kết hợp cùng việc sửa bộ rễ cũ và mới theo ý muốn của bạn. Sau đó chỉ cần tưới cây và để vào nơi thoáng mát, khuất gió tầm một tháng rồi chuyển ra nắng ấm.
Cây con dùng làm rễ sau đó sẽ nảy chồi ở hai đầu thì chúng ta có thể để cho nó phát triển tự do. Trong vòng khoảng 4 – 6 tháng thì cây con dùng làm rễ sẽ lớn dần ra kín các khe hở và dính liền da với gốc ghép. Sau đó, cắt nốt 2cm – 3cm phần ló ra cho sát gốc ghép và lảy hết các cành lá mọc ở rễ ghép. Vậy là ta đã có một bộ rễ như ý vì đã dính liền với nhau nên chúng sẽ tự nuôi sống lẫn nhau. Với phương pháp này các bạn có thể ghép cùng lúc 3 – 4 rễ quanh gốc.
Lúc đầu, khi nhìn chúng ta sẽ dễ phân biệt ra rễ ghép vì nó có màu sáng hơn gốc. Nhưng lâu dài thì màu rễ và gốc sẽ giống nhau nên sẽ khó phân biệt với nhau.
Những chia sẻ về kỹ thuật ghép rễ mai vàng trong bài viết trên được chúng tôi tổng hợp từ kinh nghiệm của những người nghệ nhân yêu mai vàng. Hy vọng sẽ có thể giúp đỡ bà con phần nào trong quá trình trồng mai vàng.