Khi trồng và chăm sóc cây mai vàng, điều làm các nghệ nhân tự hào là tạo được một cây mai vàng có bộ rễ đẹp và thật lạ. Sẽ có nhiều bạn có suy nghĩ rằng, tại sao những cây cảnh như Mai, Sung, Sứ…sau khi được chăm sóc và uốn nắn từ bàn tay của các nghệ nhân lại trở nên đẹp và có bộ rễ nổi hoàn hảo đến vậy. Hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những kỹ thuật tạo bộ rễ cho cây mai vàng của mình.
Cây mai con quấn rễ là gì?
Mai con quấn rễ được hiểu là cách ươm cây mai con tự quấn rễ theo ý của người chăm sóc. Mai quấn rễ sẽ có nhiều loại rễ như : rễ lo xo, trái bí, gốc quái các loại…..Bằng cách này bạn sẽ tạo được cây mai có bộ trễ đẹp.
Được biết, trên thế giới có khoảng 24 loại mai và có 19 loại đang có mặt tại Viêt Nam. Mai vàng là giống cây đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam.
Một số kỹ thuật tạo rễ cho cây mai vàng
Kỹ thuật tạo bộ rễ gốc ban đầu
Phôi mai vàng cần cho rễ mai phát triển nhiều và nhanh nên phải trồng xuống đất hoặc chậu to. Đất trồng phải đảm bảo độ tơi, màu mỡ. Có bạn có thể trộn thêm đất phù sa trộn với đất bùn và phân ải, phân vi sinh. Ngoài việc tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm thì cần phải có chế độ chăm sóc cây mai hợp lý. Sau 6 tháng đến 1 năm đưa cây mai lên và tiến hành cắt bỏ các rễ mai bị thừa và cắt bớt các rễ mai đã quá dài rồi đem trồng để tạo các kiểu rễ nghệ thuật. Đối với các cây nhân giống bằng phương pháp vô tính, thời gian trồng sẽ lâu hơn và phải thực hiện việc trồng lại vài lần để chăm sóc tạo dựng bộ rễ mai ban đầu.
Kỹ thuật tạo bộ rễ mai vàng hình hoa thị
Khi thực hiện việc trồng mai vàng cần nắn bộ rễ xòe đều xung quanh gốc rồi lấp đất vừa ngập cổ rễ. Sau một năm, các bạn rửa trôi tẩy bỏ một lớp đất đi, bộ rễ hình hoa thị đã được tạo từ trước đó sẽ lộ ra trên mặt đất.
Kỹ thuật tạo mâm rễ mai vàng phân nhánh
Các bạn cần thực hiện bỏ bớt một phần chiều dài của 4 -5 rễ phân bổ đều xung quanh gốc rồi trồng sâu. Sau 1 năm, trồng lại nâng gốc cao lên sẽ hiện ra bộ rễ phân nhánh.
Kỹ thuật tạo bộ rễ mai vàng hình chân nơm
Sau khi các bạn thực hiện việc cắt sửa bộ rễ xong, không để bộ rễ tự nhiên xòe ngang mà nên dùng dây buộc rễ khum lại như hình nơm rồi mới đem trồng lại. Sau đó, đổ một lớp đất vào đáy chậu sao cho khi đặt cây vào, gốc cây mai và 1/3 bộ rễ cao hơn mặt chậu, lấp đất bằng miệng chậu mai, sau đó dùng vật liệu cứng quây cơi trên miệng chậu rồi đồ thêm đất lấp chìm hết bộ rễ. Một năm sau, nhẹ nhàng mọi hết phần đất nổi trên mặt chậu, dùng máy bơm nước xịt, rửa, bộ rễ hình chân nơm sẽ phơi ra trên mặt đất.
Kỹ thuật tạo bộ rễ mai vặn xoán
Các bạn sử dụng dây mềm và mau ải quấn nhiều vòng cho bộ rễ có hình tròn như bó củi lỏng rồi trồng vào chậu ống. Sau khoảng 6 tháng, đổ cây mai ra, bện bộ rễ vặn xoắn vào nhau sao cho ngoạn mục, rồi trồng lại sang chậu để phơi bộ rễ vặn xoắn nổi cao hẳn lên.
Kỹ thuật tạo bộ rễ mai lệch hướng
Cây mai đã có bộ rễ gốc ban đầu, phía nào có nhiều rễ to hơn thì nên tạo bộ rễ lệch hướng cho các dáng xiêu, hoành, huyền. Trồng cây mai đổ về phía đối hướng với phía có nhiều rễ to, cần căn sữa bộ rẻ cho đẹp. Khi cắt sửa thân cành để tạo dáng, nếu cần có thể đưa cây mai lên một số lần để tạo dựng bộ rễ lệch hướng cho hợp lý.
Lưu ý:
Sử dụng dao, kéo phải thật sắc để cắt cho gọn, rễ mai mới sống và phát sinh nhanh. Nếu sơ ý làm giập nát chỗ cắt, rễ mai có thể bị thối. Trước khi cắt cây, dao kéo phải được hơ qua lửa. Sau khi cắt thì tiến hành bôi vôi hoặc oxy già vào vết cắt ở cây mai để khử các mầm bệnh.
Phần rễ mới lộ ra khỏi đất phải được che phủ bằng vải ẩm, rác mục ẩm, bèo tây… khoảng 10 ngày để các rễ mai thích ứng với điều kiện mới, tránh cho lớp vỏ rễ bị hoại tử do ánh nắng và điều kiện sống trên mặt đất tác động.
Với những kỹ thuật tạo rễ đã được chúng tôi chia sẻ ở phía bên trên sẽ không quá khó và tốn nhiều công sức để các bạn có thể tạo dựng được 1 cây mai nghệ thuật có bộ rễ đẹp theo ý mình. Chúc các bạn tạo dựng bộ rễ mai thành công.
Xem thêm: Cây mai vàng trồng bao lâu thì cho hoa?